Lịch sử hình thành[3] Đông Phương, Đông Hưng

Bài viết này không được chú giải bất kỳ nguồn tham khảo nào. Mời bạn giúp cải thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích cho từng nội dung cụ thể trong bài viết tới các nguồn đáng tin cậy. Các nội dung không có nguồn có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ.

Các công trình nghiên cứu về văn hóa, khảo cổ và lịch sử đều chỉ ra rằng, vùng đất thuộc huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà và phía Bắc huyện Đông Hưng ngày nay, trong đó có Đông Phương đã có lịch sử hình thành và phát triển cách ngày nay trên 2.000 năm. Cách Đông Phương chỉ hơn 3 km, tại khu di chỉ khảo cổ tại xã Quỳnh Xá, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật khảo cổ thuộc thời đại đồng thau (cách nay 2000 - 3000 năm).

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tên làng xã là một căn cứ để xác định lịch sử của làng. Dựa vào tên gọi có thể phân ra “làng Việt cổ” và “làng Việt mới”. Làng Việt cổ có lịch sử hàng nghìn năm và thường có tên nôm. Mặt khác, mang đậm đặc điểm hình thành của các làng Việt cổ là các làng có thên gắn liền với chữ “Xá”, vì chữ “Xá” nghĩa là “nhà”, biểu thị rất rõ tính chất thị tộc và mối quan hệ huyết thống sâu sắc lúc tiền khởi ở những điểm cư trú xưa. Tới nay ở Thái Bình đã khảo cứu được 371 làng có tên nôm, hơn 40 làng có chữ “Xá”. Các nhà khoa học đã khẳng định hầu hết các làng có ký âm Nôm đã được hình thành từ thời Hùng Vương, các làng có chữ “Động”, “Xá” đều xuất hiện cách nay trên 2000 năm. Đông Phương có cả hai đặc điểm nhận dạng chính: làng có tên nôm (làng Vàng) và làng có tên tộc danh (Hoàng Xá, Lưu Xá).

Sách “Đất và người Thái Bình” chép: Theo thần tích miếu Thân Thượng, vào thời Hùng Vương thứ 6, con hổ do Nam Bồ nguyên súy (người Thân Thượng- Đông Cường) nuôi sau khi cắn nhầm chủ chết thường xuyên vào làng bắt lợn. Người làng Thân Thượng dùng cồng chiêng làm lệnh đuổi thì chạy sang làng Vàng. Lúc này làng Vàng có nhiều người giỏi võ, đuổi hổ chạy sang trại Sổ.

Chính từ những căn cứ này cùng các tư liệu chính sử ghi lại ngay từ những năm đầu công nguyên, đất Đông Phương thuộc vùng đất đất Tây Quan đã có nhiều dân cư sinh sống và năm 40, nữ tướng Lê Thị Cố đã tập hợp nhân dân làng Vàng và các làng quanh vùng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng nên làng Vàng (Đông Phương) được xếp là một trong 78 “làng Việt cổ” của huyện Đông Hưng đã được định hình các nay trên 2000 năm.

Tên cổ xưa nhất của làng Vàng là làng Viềng với các dấu tích như: đò Viềng, chợ Viềng, miếu Viềng gắn liền với đời sống dân cư. Tới khi vùng bãi sông Diêm được hình thành, làng Viềng trở nên sầm uất, trù phú, thường gọi là bãi Bạc, làng Vàng. Từ đấy có tên làng Vàng, sau tách thành Vàng trên và Vàng dưới. Vàng trên sau gọi là xã Hoàng Quan, Vàng dưới gọi là xã Hoàng Xá. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435 và sách Hồng Đức bản đồ viết năm 1490 đã có tên xã Hoàng Quan và Hoàng Xá. 

Theo truyền thuyết, đất phía Bắc huyện Đông Hưng ngày nay thủa xa xưa vốn là vùng đầm lầy, sú vẹt mọc dày đặc như rừng. Tuy nhiên, vùng đất này cũng lại có nhiều gò cao. Những thế hệ dân cư đầu tiên của Đông Phương đã sinh sống trên những gò cao này. Thần phả làng Phương Mai xã Đông Cường ngay cạnh xã Đông Phương ghi: “Ngày ấy, đã lâu lắm rồi, khi bãi biển còn hoang vu, cồn lau, bãi sú chưa có người khai phá, vùng đất này xưa chỉ có vài mái cỏ, dân sống bằng nghề bắt cá là chính, còn việc gieo lúa, vãi bắp mới chỉ làm nhất thời trên một số gò cao, bãi cạn, cuộc đời khi ấy còn lam lũ vất vả, thiếu thốn đủ điều...”. 

Cư dân tới vùng đất Đông Phương ngày nay với nhiều lý do. Có người do các cuộc chiến tranh cát cứ hoặc những xung đột của nội bộ làng xã phải rời đến đây. Có người là những nạn nhân đi lánh nạn đến đây nhưng do sự cản trở của sông nước, sự hoang dã của vùng đất mới ven biển đã trụ lại làm ăn sinh sống và sinh cơ lập nghiệp, song trong đó cũng có những người cầm quân, những binh lính chiến thắng vì cảm mếm miền đất này đã ở lại định cư. Cũng có thể họ là những người thợ thủ công, buôn bán đánh cá biển từ nhiều ngả, nhiều xứ xuôi ngược dòng sông Diêm tìm đến đất Đông Phương. Tuy nhiên, cũng phải đến thời Lý, khi triều đình tăng cường trị thủy, hệ thống đê điều bắt đầu được hình thành, người dân từ các nơi mới về vùng đất Đông Phương mới bắt đầu đông đúc, làng xóm mới định hình ổn định.

Tới nay các dòng họ ở Đông Phương không ai được biết ông thủy tổ của dòng họ mình từ đâu tới. Những căn cứ vào thân tích đền Rồi Công (An Tràng) và Đình Lưu (Đông Phương) và qua một số cụ cao tuổi ở địa phương truyền lại thì phần đông các dòng họ ở Đông Phương ngày nay đều từ trung du, miền núi phía Bắc xuống như Phú Thọ, Vĩnh Phúc hoặc từ miêng Trung ra như Nghệ An – Hà Tĩnh ra hay ở các tỉnh lân cận chuyển sang. 

Chọn định cư, khai phá trên vùng đất mới tuy màu mỡ, phì nhiêu, lắm tôm, nhiều cá nhưng cơ bản vẫn là vùng đất trũng, mùa mưa nước ngập trắng đồng, ngập hết lối đi, chỉ còn lại những nơi đất cao nên các thế hệ người dân Đông Phương đã phải khai hoang, phục hóa, thau chua, rửa mặn, làm thủy lợi tiêu úng, chống hạn để canh tác; phải quật đất tạo nền cao xây dựng nhà cửa, đắp đường và xây dựng xóm làng nên ngày nay Đông Phương vẫn còn rất nhiều ao hồ xen kẽ trong các khu dân cư. Ở Đông Phương tới ngày nay vẫn còn dấu tích cánh đồng Dầm với hàng chục ha nằm giữa địa phận giáp giới xã Đông Cường. Đây là những minh chứng cho quá trình cải tạo, xây dựng làng xóm vất vả, khó khăn của người dân Đông Phương. 

Về tên gọi của mảnh đất Hoa Nam ngày nay qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử: Theo cuốn “Địa danh Thái Bình xưa và nay” và cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Hưng” cho thấy: Thời kỳ Bắc thuộc, nửa đầu thiên niên kỷ I, Đông Phương thuộc vùng Tây Quan huyện Chân Định; nửa sau thiên niên kỷ I, thuộc huyện Chu Diên. Đến đời Khúc Hạo làm tiết độ sứ (907- 917), Đông Phương thuộc Châu Đằng (còn gọi là Đằng Châu). 

Thời Lý (1010 - 1225) và thời Trần (1225 - 1400), Đông Phương thuộc huyện Tây Quan, lộ An Tiêm (Lộ An Tiêm gồm 4 huyện: A Côi, Đa Dực, Thái Bình (Thụy Anh) và Tây Quan). 

Thời thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415) huyện Tây Quan nhập vào huyện Thái Bình, vùng đất Đông Phương lúc này thuộc huyện Thái Bình phủ Tân An sau là phủ Trấn Man. 

Thời Lê, đời Lê Thái Tổ (1428-1433) lập lại huyện cũ Tây Quan. Thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đổi huyện Tây Quan thành huyện Đông Quan, lấy đất lộ An Tiêm thời Trần lập phủ Thái Bình. Xã Đông Phương ngày nay khi đó là 2 xã Hoàng Quan và Hoàng Xá thuộc tổng Hoàng Quan huyện Đông Quan, phủ Thái Bình, thừa tuyên Sơn Nam. (Tổng Hoàng Quan khi đó có 7 xã: Hoàng Quan, Hoàng Xá, Lệ Bảo, Cổ Tiết, Đồng Kỷ, An Vị, Điều Thượng).

Đến thời Nguyễn (1802), đất Đông Phương thuộc tổng Hoàng Quan huyện Đông Quan, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ. Đến năm Minh Mệnh thứ ba (1822) đổi gọi trấn Sơn Nam Hạ là trấn Nam Định. Năm Minh Mệnh 12 (1831), nhà Nguyễn chia đất nước làm 31 tỉnh, Đông Phương thuộc huyện Đông Quan phủ Thái Bình tỉnh Nam Định.

Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình được thành lập, Đông Phương thuộc tổng Hoàng Quan được đổi gọi tổng Phương Quan huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Tổng Phương Quan vẫn gồm 7 xã như cũng từ đây, xã Hoàng Quan được đổi thành xã Phương Quan, xã Hoàng Xá đổi thành xã Phương Xá, xã Điều Thượng đổi thành Thân Thượng. 

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, ngày 10/4/1946, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. 

Tháng 01/1947 thực hiện quyết định thành lập liên xã của tỉnh, 8 thôn: Phương Quan, Phương Xá, Cổ Tuyết, An Vị, Đồng Cừ, Đồng Kỷ, Lệ Bảo, Thân Thượng được sáp nhập làm một với tên gọi là xã Liên Phương.

Năm 1949, cắt thôn Thân Thượng về xã Bắc Bình, thôn Cổ Tuyết về xã An Vinh. Lúc này xã Liên Phương huyện Đông Quan còn lại các thôn: Phương Quan, Phương Xá, Rồi Công, An Vị, Đồng Cừ, Đồng Kỷ, Lệ Bảo (Rồi Công trước đây là xóm thuộc thôn Phương Xá).

Tháng 4/1956 thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, xã Liên Phương được chia làm 2 xã Đông Phương và Đông Hải. Tên xã Đông Phương chính thức có từ đây với 3 thôn: Phương Quan, Phương Xá và Rồi Công thuộc huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình.

Năm 1961, để tiện cho chỉ đạo sản xuất và sinh hoạt, Rồi Công trong gồm 3 xóm Tân An, Thái Học và An Ninh chuyển về xã An Tràng. Từ Đây Đông Phương chính thức còn 2 thôn Phương Quan và Phương Xá.

Năm 1969, huyện Đông Quan và huyện Tiên Hưng sáp nhập thành huyện Đông Hưng, từ đó đến nay, Đông Phương thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Đầu năm 1973, khi xây dựng thành công hợp tác xã nông nghiệp toàn xã, Đông Phương được chia làm 23 đội sản xuất. Năm 1990, Đông Phương chia làm 23 xóm (từ xóm 1 - 23).

Năm 2003, sau khi tổ chức lại thôn làng, Đông Phương có 7 thôn. Làng Phương Xá chia làm 4 thôn: Trung, Đông, Nam, Thượng. Làng Phương Quan chia làm 3 thôn: Bình Minh, Đại Phúc, Trần Phú.